Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

5 cây cầu dây văng lớn nhất miền Tây Nam Bộ

5 cây cầu dây văng lớn nhất miền Tây Nam Bộ đến thời điểm hiện tại là cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống.


1. Cầu Vàm Cống
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam. Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu, và thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động. Cầu đã được thông xe vào 19/5/2019.
Cầu Vàm Cống là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An – Rạch Sỏi, thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây. Cây cầu kết nối huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đây là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu và bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông.
Cầu Vàm Cống dài tổng cộng 2,97 km, phần bắc qua sông dài 870 m trong đó nhịp chính gồm 73 đốt dầm bằng thép có tổng chiều dài 450 m, dài nhất trong số các cầu có nhịp thép ở miền Nam. Cầu dẫn phía Đồng Tháp có kết cấu dầm super-T bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài 1.099,7 m; cầu dẫn phía Cần Thơ có kết cấu dầm super-T bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài 999,7 m. Mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn có quy mô 24,5 m gồm: bốn làn xe cơ giới rộng 14 m, hai làn xe thô sơ rộng 6 m, dải phân cách rộng 1,5 m, lan can rộng 1 m và dải an toàn rộng 2 m.



2. Cầu Cao Lãnh
Cầu Cao Lãnh là cây cầu dây văng được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu sông Tiền và cách cầu Mỹ Thuận 35 km về phía thượng lưu sông. Cầu được khởi công xây dựng từ ngày 19 tháng 10 năm 2013 và thông xe từ ngày 27 tháng 5 năm 2018. Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Vàm Cống là hai cây cầu trọng điểm nằm trong Dự án giao thông kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thiết kế, cầu có chiều dài 2.015 m, rộng 24,5 m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, với chiều cao trụ tháp bê tông cao 123 m và nhịp chính dài 350 m, vận tốc cho phép 80 km/h. Hai trụ tháp chữ H của cầu Cao Lãnh tượng trưng cho sự kết nối giữa hai nước Việt Nam và Úc khi xây cầu.


3. Cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, cầu Cần Thơ được dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn Cầu Cần Thơ vào ngày 26 tháng 9 năm 2007, nên đến ngày 24 tháng 4 năm 2010, cầu Cần Thơ mới được khánh thành.


4. Cầu Rạch Miễu
Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Bờ bắc của cầu là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bờ nam là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách thành phố Bến Tre 10 km. Đây là công trình do Việt Nam tự đầu tư, với thiết kế và tổng thầu là các công ty Việt Nam.Cây cầu này khi hoàn thành giúp tỉnh Bến Tre thoát khỏi thế cô lập về giao thông bộ. Ngoài cầu chính, công trình này còn bao gồm đường dẫn hai đầu.
Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền, cách bến phà cũ khoảng 1 km về phía thượng lưu. Đây là chiếc cầu dây văng lớn thứ ba được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long (cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế và thi công, cầu Cần Thơ do Nhật thiết kế và thi công) và Rạch Miễu là cây cầu đầu tiên do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới.


5. Cầu Mỹ Thuận
Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, Việt Nam. Cầu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng và cầu bắc qua sông Mekong đầu tiên ở Việt Nam.
Cầu Mỹ Thuận nối liền giữa hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Đầu cầu phía Bắc thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; đầu cầu phía Nam thuộc xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Vượt qua sông Tiền nối với tỉnh Tiền Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét